Ngày của Mẹ năm 2023: Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt
Ngày của mẹ mang đến nhiều cảm xúc và ý nghĩa. Không chỉ đối với những người làm con mà với xã hội đều luôn tôn trọng các giá trị thiêng liêng và sự cống hiến của người mẹ. Vậy, ngày của mẹ là ngày nào? Nên tặng quà gì nhân dịp ngày của mẹ để nâng cao lòng biết ơn sâu sắc? Bài viết có nhiều gợi ý tuyệt vời để bạn hiểu hơn về ý nghĩa ngày của mẹ. Đồng thời, lựa chọn loại quà tặng phù hợp với mẹ của mình.
Ngày của mẹ là ngày nào?
Ngày của Mẹ (Mother's Day) là ngày kỷ niệm để tôn vinh tình mẹ và sự hy sinh của người mẹ, đồng thời cũng là dịp để tôn vinh vai trò và sự ảnh hưởng của các bà mẹ trong xã hội. Ngày này được tổ chức vào những thời điểm khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng phổ biến nhất là vào tháng Ba hoặc tháng Năm.
Còn hiện tại thường được kỷ niệm vào ngày Chủ nhật của tuần thứ hai trong tháng 5 hằng năm. Ví dụ: Ngày của mẹ năm 2023 sẽ rơi vào ngày 14/5 (chủ nhật).
Vì ngày của mẹ không có ngày kỷ niệm cố định nên nhiều người không biết ngày của mẹ là ngày nào. Hơn nữa, ngày của mẹ cũng có nhiều “phiên bản” tùy theo mỗi quốc gia và được tổ chức vào thời gian khác nhau. Tuy nhiên, khi đến ngày của mẹ, mọi người sẽ cùng tôn vinh người mẹ, tình mẹ cũng như vai trò của mẹ trong gia đình và xã hội.
Ý nghĩa ngày của mẹ là gì?
“Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…” Đây là bài ca dao dường như ai sinh ra cũng đều thuộc lòng. Hay câu thành ngữ: “Nghĩa tử là nghĩa tận”, tình mẫu tử thiêng liêng cao cả. Vai trò của người mẹ luôn phải được trân trọng và biết ơn.
Ý nghĩa ngày của mẹ là giúp nhắc nhớ mỗi người con dù có đi đâu, làm gì, ở độ tuổi nào vẫn hãy nghĩ về mẹ. Đây là dịp để chúng ta bày tỏ tình yêu thương với mẹ của mình. Bởi mẹ đã dành biết bao sự hy sinh cho con cái với tình yêu bất diệt và sự chăm sóc ân cần dành cho cả gia đình.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia có truyền thống coi trọng đạo Hiếu. Vậy nên, trước khi “Mother's Day” của phương Tây được du nhập vào thì ngày Vu lan (rằm tháng 7); hay ngày phụ nữ Việt Nam 20.10… cũng là dịp để tôn vinh mẹ.
Ý nghĩa sâu sắc của tình mẹ
Tình mẹ, tình mẫu tử luôn chứa đựng muôn vàn giá trị sâu sắc. Theo từng khoảnh khắc thời gian, mỗi ngày chúng ta đều được nuôi dưỡng tâm hồn bởi những điều mà mẹ đã thầm lặng hy sinh. Cũng chính vì thế, tình mẹ luôn để lại những ý nghĩa sâu sắc khó quên như:
Tình yêu và sự hy sinh không định giá
Nếu để tìm kiếm tình yêu và sự hy sinh vô giá thì chắc có lẽ chỉ có cha mẹ là cho chúng ta tất cả những gì thiêng liêng nhất. Ngày của mẹ giúp mỗi người con biết được rằng, bản thân cần phải sống tốt như thế nào, hiểu thảo với mẹ ra sao với quãng đường từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến khi chào đời. Từ cái ăn, cái mặc, từ miếng cơm, giấc ngủ… mẹ cũng đều chu toàn để con có được tháng ngày bình an, hạnh phúc.
Thế giới này có thể quay lưng ngoảnh mặc những lúc chúng ta khó khăn. Nhưng vòng tay mẹ luôn là “tổ ấm” đón chào ta quay về trong mọi hoàn cảnh. Chẳng có gì có thể so sánh được với tình mẹ!
Tình cảm gia đình và lòng biết ơn
Mẹ là nhà, mẹ là tổ ấm! Mẹ là điểm tựa cho cả gia đình, mẹ nuôi dưỡng tình cảm và lòng biết ơn cho các thành viên. Mẹ chính là chất keo kết nối gia đình, là hậu phương vững chắc cho ba, cho mỗi người con sống xa nhà.
“Mang tiền về cho Mẹ”_ Đen Vâu. Một bài hát mang ý nghĩa thực tế chứ không hề thực dụng. Ý nghĩa sâu sắc ở đây chính là hãy luôn nghĩ về mẹ, dành những điều tốt nhất cho mẹ trong khả năng của mình. “Tiền” không hẳn là vật chất, mà là đại diện cho giá trị trao gửi cũng như thể hiện được tấm lòng của con cái.
Nếu để trả lời “Bạn biết ơn ai?” thì hãy biết ơn mẹ. Người đã không ngần ngại tảo tần sớm hôm để chăm lo cho các thành viên trong gia đình.
Những câu chuyện cảm động về tình mẹ
Nhắc đến ngày của mẹ hay tình cảm của mẹ dành cho con thì có rất nhiều câu chuyện cảm động khiến chúng ta phải suy ngẫm. Chẳng hạn như những câu chuyện dưới đây.
Câu chuyện 01: Ổ bánh mì “nửa buổi”
Ở quê của tôi, thời gian giữa buổi sáng và buổi trưa được gọi là “nửa buổi”. Mẹ tôi làm nông, cứ đến các mùa vụ lúa chín mẹ lại nhận công đi gặt lúa cho nhà người khác. Tôi còn nhớ khi ấy mỗi ngày mẹ được trả khoảng 40 nghìn đồng.
Người ta thường phát cho nhân công mỗi người một ổ bánh mì để ăn nửa buổi. Nhưng lần nào mẹ cũng để dành mang về cho bọn nhóc chúng tôi. Lúc đó còn nghèo, để có tiền mua một ổ bánh mì “ăn chơi” thì đâu phải dễ. Hai chị em tôi hào hứng lắm mỗi khi thấy mẹ mang ổ bánh mì về để hai đứa chia đôi. Nhưng tôi đâu biết mẹ cũng đang đói! Có lần tôi với đứa em trai chia nhau ăn xong, vào bếp thấy mẹ đang ăn cơm nguội chan với chút nước mắm. Tôi hỏi mẹ: “Bánh mì của mẹ đâu?”. Mẹ bảo: “Chủ ruộng cho 2 ổ, mẹ ăn 1 ổ rồi nhưng còn đói nên mẹ ăn thêm cơm lát có sức làm cho xong”. Và lần nào cũng vậy, chúng tôi ngây thơ cứ nghĩ là mẹ cũng có riêng phần bánh mì để ăn rồi. Nhưng đến khi lớn lên tôi mới biết, làm gì có chủ ruộng nào chia cho mỗi người 2 ổ bánh mì. Chỉ là tình mẹ bao la, hy sinh và luôn dành tất cả cho con mà thôi…