Cây nêu ngày Tết: Những điều thú vị!
Cây nêu ngày Tết thể hiện giá trị văn hóa và phong tục cổ truyền trong dịp Tết Nguyên Đán của Việt Nam.
Cây nêu ngày Tết thể hiện giá trị văn hóa và phong tục cổ truyền trong dịp Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Nguồn gốc và ý nghĩa của tục dựng nêu ngày Tết vô cùng thú vị. Dù cuộc sống có hiện đại đến đâu nhưng đây vẫn là một biểu trưng không thể thiếu mỗi độ Tết đến Xuân về.
Cây nêu ngày Tết là gì?
Cây nêu ngày Tết còn có tên gọi là “cây Thiên - Địa – Nhân”. Cây nêu có vai trò kết nối Đất với Trời cùng nguyện ước của con người. Thường thì mỗi ngọn nêu sẽ treo các phẩm vật hay linh vật khác nhau mong nguyện ước của con người có thể chạm đến Thần Linh.
Tục dựng cây nêu ngày Tết
Đặc điểm cây nêu ngày Tết là những cây tre cao, phần lá ở ngọn tre được giữ nguyên. Bên dưới gốc cây sẽ rắc vôi bột trắng, hình dạng vôi được rắc theo hình cánh cung hướng ra phía bên ngoài nhà. Cách trang trí cây nêu ở mỗi nơi sẽ khác nhau. Theo đó, mỗi vật trang trí trên cây nêu ngày Tết đều có ý nghĩa nhất định. Nếu không cầu mong bình an thì cũng là may mắn, tài lộc. Chẳng hạn:
-
Treo chiếc khánh tượng trưng cho những điều tốt lành.
-
Treo lông gà lên cây nêu biểu tượng cho bình an.
-
Treo lá dứa mục tiêu để trừ tà.
-
Treo tiền vàng mã để cầu tài lộc...
Nguồn gốc và ý nghĩa của cây nêu ngày Tết
Từ xưa,có một câu đối về ngày Tết vô cùng nổi tiếng:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Những vật phẩm này mang ý nghĩa đặc trưng trong ngày Tết Nguyên đán. Trong Kho tàng cổ tích Việt Nam, cây nêu ngày Tết đã xuất hiện từ rất lâu với ý nghĩa bảo vệ con người tránh khỏi sự xâm phạm của quỷ dữ.
Theo sự tích “Cây nêu ngày Tết” của Nguyễn Đổng Chi kể rằng: Thuở xa xưa, con Người chỉ được ăn nhờ ở đậu, làm rẽ ruộng đất vì loài Quỷ đã chiếm tất cả đất đai. Người phải nộp lệ cho Quỷ sau mỗi vụ gặt, Người chỉ còn gốc rạ vì loài Quỷ độc ác “ăn ngọn cho gốc”.
Một hôm, Phật đã đưa ra gợi ý cho Người vào mùa sau trồng khoai. Bấy giờ, Qủy vô cùng hậm hực vì trong kho nhà Người toàn khoai ngon còn nhà Quỷ toàn dây với lá khoai.
Đến mùa tiếp theo, Quỷ bày kế chuyển sang “ăn gốc cho ngọn”, thế là Người lại chuyển sang trồng lúa. Quỷ tức tối bèn phán mùa sau sẽ “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Khi ấy, Người bèn trồng ngô lấy bắp.
Mặt khác, Người được tậu mảnh đất vừa bóng của chiếc áo cà sa (theo giao ước giữa Người với Quỷ). Bóng cà sa che đến đâu thì diện tích ở đó là do Người sở hữu. Vì vậy, Người đã trồng một cây tre, phía trên treo áo cà sa. Được làm phép nên cây tre cứ thế cao lên khiên bóng của áo cà sa rợp cả mặt đất. Thế là Qủy phải lùi đi mãi không được chạm đến đất của Người. Đồng thời, bị lá dứa quất vào và bị vôi bột ném cho cay mắt, Quỷ phải chạy mãi ra tận Biển Đông. Qủy dập đầu xin được một năm vào đất liền vài ba hôm để thăm phần mộ của tổ tiên ngày trước. Do đó, cứ đến dịp Tết Nguyên Đán hàng năm là Quỷ lại kéo vào đất liền. Để Quỷ không dám đến chỗ ở của con người nên con người đã trồng cây nêu ngày Tết.
Câu chuyện trên là nguồn gốc cây nêu trong sự tích, còn trong dòng chảy văn hóa dân gian, cây nêu ngày Tết còn có nhiều ý nghĩa khác.
Ý nghĩa dựng cây nêu vào dịp Tết Nguyên đán
Ngày Tết cổ truyền Việt Nam đều có những phong tục mang nhiều ý nghĩa đẹp, hướng đến việc xua rủi lấy may. Cũng tương tự như tiếng Pháo trong đêm giao thừa, cây nêu ngày Tết biểu trưng cho việc xóa bỏ điềm xui trong năm cũ để mong cầu những điều tốt lành, may mắn trong năm mới.
Ngày nay, thay vì treo dứa, treo vàng mã lên cây nêu thì nhiều gia đình còn treo cờ Tổ quốc. Điều này thể hiện niềm tự hào dân tộc gắn liền với chủ quyền quốc gia. Cây nêu ngày Tết không chỉ được trồng trước sân nhà mà còn trồng ở đình, chùa,... Theo đó, bên cạnh ý nghĩa trừ ma quỷ, cây nêu ngày Tết cũng được xem là biểu thị cho tính cộng đồng của làng xã. Hơn nữa, vào thời phong kiến, cây nêu ngày Tết còn thể hiện uy quyền, đẳng cấp xã hội.
Cứ độ cuối Đông, cây nêu ngày Tết sẽ được dựng với dụng ý ngọn cây nêu vươn lên để đón mùa Xuân và đón ánh mặt trời, phát triển dương khí.
Cách dựng cây nêu theo đúng phong tục ngày Tết
Lễ dựng cây nêu ngày Tết còn gọi là “Lễ Thượng tiêu” (上標). Đây là một nghi thức không thể thiếu vào dịp Tết. Tuy nhiên, lễ dựng nêu hiện nay đã dần mai một. Một số nơi còn cắm nêu nhưng không còn đúng theo phong tục. Phần lớn mọi người chỉ lấy cái đẹp làm trọng tâm mà chưa hiểu hết được ý nghĩa tâm linh của việc này.
Cây nêu ngày Tết từ xưa được xem là trục vũ trụ hay là cột nối giữa trời đất. Đặc biệt, cây nêu phải được làm bằng tre. Bởi tre có các đốt tre, là bậc thang hướng về thần linh, giúp mang sinh khí của trời để chuyển xuống đất. Nhờ vậy, đất đai được phì nhiêu và hôị tụ sinh khí để mùa màng tươi tốt.
Đối với cách dựng cây nêu ngày Tết, chúng ta cần chọn loại tre già, thẳng, to và không được cụt gọn. Ngọn của cây nêu sẽ để lại một phần lá tre còn tươi. Hoặc có thể buộc lá dứa vào vì tượng trưng cho mây trời.
Thân của cây nêu được trang trí một số đồ vật như câu đối, đèn lồng, cờ, phướn, niêu đất chứa vôi hoặc chuông gió, ... Ngọn cây nêu còn gắn tờ giấy đỏ, giấy trắng hoặc gói kim ngân, xôi màu, lông gà... Ở dưới gốc cây nêu thường có rắc vôi trắng để tạo thành vòng tròn hoặc hình cánh cung có mũi tên hướng về phía cổng để giúp xua đuổi ma quỷ.
Mặt khác, một số vùng quê còn có cách lựa chọn cây nêu ngày Tết vô cùng kỹ lưỡng. Trong đó, người đi chặt cây tre làm cây nêu phải là các thanh niên cường tráng, khỏe mạnh. Họ sẽ vào rừng để chọn cây vầu, cây trúc thẳng, già và không có sâu mọt.
Cây nêu có chiều cao và độ lớn tùy theo tầm ngắm cũng như khoảng rộng của sân nhà hay sân làng. Đa phần mọi người sẽ dựa vào chiều cao của ngôi nhà hoặc cổng làng để lựa chọn cây nêu có chiều cao phù hợp. Số lượng cây nêu ngày Tết dựa trên vùng miền, có nên người ta dựng hai cây nêu ở hai bên của sàn nhà. Riêng việc chọn vị trí trồng cây nêu sẽ do gia chủ quyết định, nhưng thường là ở trước cửa nhà.
Khi đã chọn được cây nêu, trang trí cây nêu ngày Tết và trồng cây nêu thì sẽ tiến hành Lễ dựng nêu. Phía dưới cây nêu được cắm 1 ống tre để thắp hương, nhiều vùng còn bày mâm cúng chay, có bánh chưng và hoa quả.
Thời gian dựng và hạ cây nêu ngày Tết
Cây nêu ngày Tết thường được dựng sau khi cúng tiễn ông Công ông Táo về trời, tức vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch). Theo quan niệm dân gian cho rằng, khi các vị thần bảo hộ gia đình đi vắng, dựng cây nêu ngày Tết sẽ giúp xua đuổi ma quỷ, trừ tà dữ và bảo vệ bình an cho cả gia đình.
Cây nêu dựng vào ngày 23 tháng Ch���p ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời. Vì sẽ không có người bảo hộ nhà cửa nên quỷ ma sẽ hoành hành dữ tợn hơn. Lúc này, cây nêu có tác dụng giúp xua đuổi quỷ, xua đuổi tà ma tránh xa vùng đất của con người.
Tuy nhiên, với một số nơi vùng cao, bà con đồng bào dân tộc tổ chức dựng cây nêu ngày Tết vào ngày 27 hoặc 28 tháng Chạp. Điển hình là người Mông dựng nêu vào ngày 25 hoặc 27 tháng Chạp (âm lịch). Bởi những vùng này thì cây nêu còn gắn liền với các lễ hội truyền thống của bản làng. Ở các vùng dân tộc này cây nêu thường gắn liền với một số lễ hội truyền thống của bản làng.
Thời gian hạ cây nêu ngày Tết thường là mùng 7 tháng Giêng, nhiều nơi hạ nêu vào ngày 15 tháng Giêng. Ngày hạ cây nêu được gọi là ngày Khai hạ. Lưu ý khi hạ nêu cần tránh động thổ để đất được hội tụ đủ sinh khí, giúp đất tốt tươi, màu mỡ. Khi hạ nêu xong, mọi người có thể thực hiện những lễ hội mới, mở màn cho các hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
Trong các năm gần đây, phong tục dựng cây nêu ngày Tết đã mai một dần ở thành thị. Thay vào đó, mọi người thường chơi cây cảnh, chơi hoa như cây mai, cây đào, quất, ... Những loại cây cảnh Tết đẹp với ý nghĩa cầu mong năm mới phát tài phát lộc, vạn sự như ý. Tuy nhiên, tại nhiều vùng quê Việt, đặc biệt là ở đồng bào dân tộc thiểu số thì tục dựng nêu ngày Tết vẫn diễn ra. Thế nhưng, về ý nghĩa nguyên bản của việc dựng cây nêu để trừ ma quỷ dường như không còn nữa. Phong tục trồng cây nêu chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng. Mọi người cùng cầu chúc năm mới tốt đẹp. Đồng thời, hoài niệm về phong tục Tết cổ truyền mang đậm dấu ấn lịch sử thời xưa.
Cây nêu ngày Tết là một trong những biểu trưng gần gũi của ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam. Dù dòng chảy lịch sử có trôi về đâu chăng nữa thì đây vẫn luôn là một dấu ấn in sâu vào tâm khảm của con người Việt. Mong rằng bài viết đã giúp bạn biết được cây nêu ngày Tết cũng như tục dựng nêu ngày Tết. Hãy dành thời gian ít phút mỗi ngày để ghé thăm website của chúng tôi và cập nhật nhiều thông tin thú vị về các phong tục của Việt Nam nhé!