Cách bày mâm cơm ngày Tết cho người không giỏi bếp núc
Với những ai không giỏi bếp núc, chỉ cần nắm được những bí kíp bày mâm cơm ngày Tết dưới đây cũng có thể dâng lên ông bà, tổ tiên
Với những ai không giỏi bếp núc, chỉ cần nắm được những bí kíp bày mâm cơm ngày Tết dưới đây cũng có thể dâng lên ông bà, tổ tiên mâm cơm đẹp mắt cùng những món ăn “ngon khó cưỡng”!
Dù không giỏi bếp núc nhưng bạn vẫn có thể bày biện mâm cơm ngày Tết đẹp mắt, ngon miệng mà không bị ngán
Mâm cơm ngày Tết có những món ăn gì?
Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, trong lòng của mỗi người đều mang một năng lượng tràn đầy hứng khởi, náo nức đoàn tụ với gia đình và cùng nhau chuẩn bị mâm cơm ngày Tết ngon nhất. Mâm cơm này không chỉ dùng để dâng lên ông bà, tổ tiên mà còn tượng trưng cho sự đủ đầy, ấm cúng của một gia đình hạnh phúc vào ngày đầu năm.
Người Việt Nam luôn coi trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nên mâm cơm bao giờ cũng được chuẩn bị thịnh soạn nhằm cầu mong năm mới làm ăn thành công, phát tài phát lộc và mọi sự hanh thông. Do đó, dù ít hay nhiều thì mâm cơm trong ngày Tết cũng được chăm chút trọn vẹn với đầy đủ các món ăn theo từng khu vực, vùng miền.
Các cụ có câu “mâm cao, cỗ đầy” nhằm nói về cách biện cỗ thể hiện sự trang trọng, cầu kỳ. Một mâm cơm đầy đủ cần có 8 bát - 8 đĩa với các món ngon sau:
-
8 đĩa bao gồm: xôi gấc, gà luộc, hạnh nhân xào, nộm, thịt quay, giò lụa/giò xào, nem rán và chả quế.
-
8 bát bao gồm: vây cá, măng lưỡi lợn hầm chân giò, bóng bì, mực nấu, nấm thả, chim hầm, gà tần và miến nấu lòng gà.
Vào ngày xa xưa, mâm cơm Việt Nam lúc nào cũng thịnh soạn và đầy ắp những món ngon, vật lạ. Các cụ không chỉ chú trọng vào cách trình bày mà còn quan tâm đến màu sắc của món ăn. Ngày nay, mâm cơm Việt đã có sự thay đổi về số lượng lẫn chất lượng và có sự khác biệt về văn hóa vùng miền.
Mâm cơm ngày Tết của người Việt Nam ngày nay sẽ có 3 loại nước chấm cơ bản: nước mắm nguyên chất pha tỏi, ớt, nước chấm nem (nếu có) và dĩa muối với hạt tiêu, ớt, chanh,... Ngoài ra, tùy theo khẩu vị của từng người mà trong mâm cơm còn có các nước chấm khác như sốt mayonnaise, nước tương, tương ớt,...
Không chỉ có các món ăn Việt Nam được bày biện trong mâm cơm ngày Tết mà còn có cả những món ăn Tây như dăm bông, xúc xích, lạp xưởng, xá xíu,... Dù vậy, đây đều là những món ăn phụ và có thể được thêm vào tùy vào khẩu vị của mỗi gia đình.
Mâm cơm Tết ngày nay được thêm vào các món ăn Tây cùng nước chấm để thêm phần ngon miệng, kích thích vị giác
Cách bày mâm cơm ngày Tết theo phong tục 3 miền
Dù có chung truyền thống bày biện mâm cơm Tết nhưng mỗi vùng miền sẽ có cách trang trí khác nhau. Tùy vào khu vực sinh sống mà bạn cần bày mâm cơm đúng chuẩn của nơi đó để tránh bị xem là “thất lễ” với ông bà, tổ tiên, gia tộc.
Dưới đây là cách bày biện mâm cơm ngày Tết theo phong tục của từng vùng miền:
1. Cách trang trí mâm cơm Tết ở miền Bắc
Không chỉ riêng ngày Tết, mâm cơm miền Bắc đã thể hiện được sự tinh tế, chỉn chu và cầu kỳ trong từng bữa ăn hàng ngày và được thực hiện bởi các bà nội trợ đảm đang. Theo truyền thống qua bao thế hệ, mâm cơm ngày Tết ở miền Bắc lúc nào cũng đầy đủ 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho bốn mùa, bốn phương, tứ trụ. Gia đình nào cầu kỳ hơn sẽ chuẩn bị 6 bát, 6 đĩa hoặc thậm chí là 8 bát, 8 đĩa như lời của các cụ xưa.
Các món ăn trong mâm cơm ngày Tết ở miền Bắc đều là những món thể hiện đặc trưng vùng miền và khí hậu khu vực. Do vào mùa xuân, thời tiết se lạnh nên món ăn cần chứa nhiều năng lượng và giúp giữ ấm cơ thể, tùy vào mỗi hoàn cảnh gia đình.
Vậy, cần chuẩn bị những gì khi trang trí mâm cơm Tết? Trước tiên, chúng ta hãy chuẩn bị 4 đĩa bao gồm: 1 đĩa thịt lợn, 1 đĩa gà luộc, 1 đĩa giò lụa và 1 đĩa chả quế cùng 1 đĩa xôi gấc đỏ nhằm mong ước nhiều điều may mắn sẽ đến trong năm mới. Sau đó, chúng ta hãy chuẩn bị 4 bát bao gồm: 1 bát chân giò hầm măng, 1 bát miến dong, 1 bát bóng thả và 1 bát mọc nấm thả.
Với canh chân giò hầm măng, chúng ta cần nấu bằng chân giò vừa nạc vừa mỡ cùng măng khô để tăng thêm hương vị cho món ăn. Giữa bát canh cần được đặt miếng thịt ba chỉ được cắt vuông vức và khía làm tư để khi hầm nhừ thì thịt sẽ té ra thành 4 góc, giúp bát canh trông đẹp mắt và ngon miệng hơn.
Mâm cơm Tết ở miền Bắc được thực hiện khá cầu kỳ nhưng không kém phần tinh tế, trang trọng và hấp dẫn
Ngoài ra, trong mâm cơm ngày Tết ở miền Bắc, chúng ta không thể thiếu món ăn kèm quen thuộc, đó chính là dưa hành. Món ăn này không chỉ giúp tăng hương vị cho ngày Tết mà còn giúp chúng ta đỡ bị ngấy và cân bằng dinh dưỡng khi “dung nạp” quá nhiều thịt, mỡ.
Những gia đình ăn món chay hoặc có người ăn chay thì có thể chuẩn bị một mâm cơm chay nho nhỏ để dâng lên ông bà. Các món ăn chay phổ biến trong mâm cơm Tết ở miền Bắc bao gồm: nấm xào rau củ, lẩu nấm chay, bánh chưng nhân chay,...
2. Cách trang trí mâm cơm ngày Tết ở miền Trung
Miền Trung là khu vực nằm ở giữa bản đồ Việt Nam và là vùng chịu thời tiết khắc nghiệt nhất. Do đó, mâm cỗ vào ngày Tết ở miền Trung thường có đầy đủ các món ăn, bao gồm cả món khô và món nước.
Dù phải chịu thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, bão lũ quanh năm nhưng mâm cỗ Tết ở miền Trung cũng đặc sắc không kém hai vùng miền còn lại và cách chế biến cũng rất phong phú. Hầu hết các món ăn tại khu vực này đều là các món mặn, đậm gia vị và có thể bảo quản lâu như heo quay, bò nấu thưng, củ cải kho nạc heo, thịt nạc rim,... Bên cạnh đó, mâm cỗ Tết còn có các món ăn ngon như thịt heo ngâm nước mắm, thịt bò,... cùng các món “cuốn” như rau sống cuốn, bánh tráng,... và các món trộn như mít trộn, thịt gà trộn rau răm, măng trộn, tré trộn,...
Người miền Trung cũng rất đa dạng các loại món bánh tráng miệng trong mâm cơm ngày Tết, chẳng hạn như bánh sen tán, bánh phục linh, bánh sắc, bánh thửng, bánh in bột nếp, bánh đậu xanh nặn hình trái cây nghệ thuật,... Tất cả được thực hiện theo hình dạng bắt mắt và ngon miệng.
Mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung được chuẩn bị tươm tất và bày biện bắt mắt, đầy đủ các món ăn từ món khô đến món nước
2. Cách trang trí mâm cơm ngày Tết ở miền Trung
Miền Nam được mẹ thiên nhiên ưu đãi cho thời tiết, khí hậu thuận lợi cùng sự trù phú, màu mỡ của đất đai nên cũng vô cùng đa dạng món ăn trong mâm cơm ngày Tết. Phong tục đón Tết của người miền Nam cũng khá giản dị, đơn giản, không cầu kỳ, phức tạp và chú trọng đến lễ nghi như miền Bắc, tạo ra nét văn hóa đặc sắc và có chút gì đó rất riêng.
Các món ăn ngày Tết ở miền Nam thường rất phong phú, chẳng hạn như món chả giò chiên, gỏi gà luộc xé phay, lạp xưởng tươi, món kiệu ăn kèm,... Đặc biệt, món bánh tét của miền Nam có phần đa dạng hơn về vỏ và nhân so với miền Trung, điển hình như bánh tét nếp cẩm, bánh nếp dừa, bánh tét nhân chuối hay bánh tét lá dứa, bánh tét đậu xanh,...
Trên mâm cơm ngày Tết của các gia đình miền Nam có thể đa dạng nhiều món và tùy biến khác nhau, nhưng chắc chắn sẽ không thể nào thiếu hai món, đó là thịt kho trứng và canh khổ qua. Tất cả các món ăn trong mâm cơm Tết ở miền Nam đều mang một ý nghĩa tốt đẹp, cầu mong năm mới luôn đầy đủ và sung túc, mọi cái khổ đều qua đi.
Thịt kho trứng và canh khổ qua - hai món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết của các gia đình miền Nam
Kinh nghiệm bày mâm cơm ngày Tết đẹp mắt mà không bị ngán
Năm hết, Tết đến, mỗi gia đình đều cố gắng thực hiện những mâm cơm đẹp mắt, ngon nhất để dâng lên ông bà tổ tiên và sau đó là con cháu cùng hưởng lộc, quây quần bên mâm cơm gia đình ngày đầu năm. Song, làm thế nào để mâm cơm Tết đủ đầy nhưng vẫn tiết kiệm mà không bị ngán?
Với những nàng dâu mới về gia đình chồng, chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc không giỏi bếp núc sẽ khá bối rối khi chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên vào ngày Tết. Để tránh rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, các nàng dâu hãy lưu ý các điều sau khi làm mâm cơm ngày Tết:
-
Dự tính số người ăn cỗ trong gia đình là bao nhiêu để mua lượng thức ăn vừa đủ, có thể dư một chút nhưng không quá dư thừa. Tuyệt đối không để thiếu bởi như thế sẽ khiến các nàng “mất điểm” trong mắt gia đình chồng ngay!
-
Chuẩn bị mâm cỗ bằng cả tâm huyết, trên tinh thần vừa long trọng, hấp dẫn nhưng vẫn tiết kiệm. Có thể học cách bày biện, trang trí các món ăn để bù chất lượng.
-
Vào ngày Tết, nhiều gia đình sẽ có tâm lý “thà thừa còn hơn thiếu”, song nếu mua nhiều quá sẽ gây lãng phí thức ăn - một điều không nên trong ngày đầu năm. Thông thường, mâm cơm đãi khách sẽ dao động từ 6 - 8 món tùy vào văn hóa vùng miền.
-
Ngoài những món chỉ ăn được trong ngày, các nàng nên nấu các món ăn có thể bảo quản lâu như dưa, thịt ngâm, thịt kho,... để bảo quản lâu và không bị lãng phí.
-
Trên mâm cúng gia tiên và giao thừa cần có đầy đủ bánh chưng, xôi chè, bánh tét, thịt gà,... Trên bàn cúng cũng cần có đầy đủ vật phẩm nhang đèn, hoa tươi, văn khấn và khay nước sạch.
-
Tránh lạm dụng quá nhiều món ăn dầu mỡ để không gây ngán, lãng phí thức ăn. Tốt nhất, các nàng nên chuẩn bị dưa hành, đồ muối chua, rau xanh để kích thích vị giác và cân bằng dinh dưỡng.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết cần chuẩn bị những gì khi làm mâm cơm ngày Tết cũng như cách bày biện, thực hiện các món ăn như thế nào để vừa đủ đầy lại không bị ngán. Tết đã sắp đến, hãy học hỏi và vào bếp ngay thôi